4 giai đoạn phát triển của trẻ sơ sinh trong năm đầu tiên
Trong năm đầu tiên, trẻ sẽ học cách tập trung tầm nhìn, tiếp cận, khám phá và tìm hiểu về những điều xung quanh chúng. Trong giai đoạn này, trẻ cũng đang phát triển mối liên kết giữa tình yêu và niềm tin với cha mẹ và những người khác như một phần về cảm xúc. Bài viết dưới đây của phucngocan.com sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự phát triển của trẻ sơ sinh trong năm đầu đời.
Em bé mới sinh phát triển thế nào?
Sự phát triển của trẻ sơ sinh diễn ra rất nhanh, bạn sẽ thấy con lớn lên rõ rệt và thay đổi qua từng ngày, đặc biệt là trong tháng đầu tiên.
Có thể bố mẹ chưa biết rằng trong những tháng đầu tiên, thị giác của con chưa phát triển hoàn thiện, vì thế tầm nhìn của con sẽ tương đối hạn chế.
Vậy mắt trẻ sơ sinh khi nào nhìn rõ? Trẻ sẽ nhìn thấy và nhận thức rõ ràng về các sự vật xung quanh mình khi được khoảng 6 tháng tuổi. Khả năng phân biệt màu sắc của trẻ cũng sẽ hoàn thiện dần trong giai đoạn này.
Khả năng nhận biết màu sắc của con sẽ dần được hoàn thiện trong năm đầu đời
Về giấc ngủ, trẻ sơ sinh ngủ nhiều giấc một ngày, thời gian ngủ của bé có thể lên đến 18 tiếng/ngày trong tuần đầu tiên và sẽ giảm dần thời gian vào những tuần tiếp theo.Mẹ nên đảm bảo giấc ngủ đêm của con kéo dài ít nhất 10 tiếng để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho bé.
Những nhu cầu quan trọng đối với bé sơ sinh
Ngay từ bây giờ, nhu cầu chính của bé là ăn, ngủ và được dỗ dành. Bé dần hiểu được rằng, thế giới này là một nơi có thể đáp ứng đươc những nhu cầu của mình. Bé sơ sinh, giống hệt như người lớn, có những tính cách riêng biệt. Một số bé ăn và ngủ nhiều hơn một số bé khác dù ở cùng một độ tuổi. Tốt nhất, bạn nên thích nghi với thời gian biểu của bé vì bé vẫn cần được ăn thường xuyên trong suốt 24 giờ. Thật dễ hiểu khi bạn bắt đầu kiệt sức và tự hỏi liệu rằng mình còn chút thời gian riêng tư nào không. Bạn cứ yên tâm bạn sẽ có nhưng hiện giờ cần phải tập trung hơn vào việc đáp ứng những nhu cầu thay đổi liên tục của bé.
Nên dành nhiều thời gian để chăm sóc bé cũng như bản thân bạn và làm quen với nhau nào
Bé sơ sinh chưa biết chơi nhưng lại rất thích khám phá thế giới bằng mắt, tai và cơ thể của mình.
Dành thời gian trò chuyện cùng nhau khi bé muốn. Bé vốn đã biết giọng nói của bạn từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, vì vậy nghe thấy giọng nói của cả bố và mẹ sẽ khiến bé cảm thấy thoải mái hơn.
Bé có tầm nhìn tốt trong khoảng 25cm – gần bằng khoảng cách từ cánh tay tới khuôn mặt bạn. Nên nhìn trìu mến khi bế bé trên tay và bé cũng sẽ quan sát bạn khi được ôm ấp, nói chuyện và hát ru.
Tốt nhất nên đặt bé nằm ngửa khi ngủ. Tránh mặc quá nhiều quần áo hay điều chỉnh nhiệt độ phòng quá cao. Cất tất cả đồ dùng nhiều lông (như gấu bông, gối lông vũ) ra khỏi nơi bé ngủ.
Nên hạn chế những khách viếng thăm không cần thiết và cũng đừng quá bận tâm đến các công việc nhà.
Khi bé được 3 tuần tuổi
Khi được 3 tuần, bạn đã có thể hình dung được thời gian biểu sinh hoạt của bé và sẽ ngạc nhiên khi có thể đoán được bé cần gì. Vào thời điểm này, bé đã có thể:
Ngủ ít lại, thậm chí thức liên tục trong vòng một giờ đồng hồ. Bạn sẽ nhận thấy bé đang dần làm quen với khuôn mặt bạn, quan sát mỗi khi bạn nói và im lặng mỗi khi nghe thấy giọng của bạn.
Tạo ra những âm thanh nhỏ để biểu hiện cảm giác phấn khởi được trò chuyện cùng bạn. Những tiếng “ê a” này là khởi nguồn của ngôn ngữ và bạn nên nhớ trả lời bé hệt như hai người đang đối thoại vậy.
Bé thường hay quấy khóc vào cuối ngày. Có vẻ như đây không phải là một bước tiến của bé nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Khi hệ thần kinh hoàn thiện hơn, bé sẽ cần phải thể hiện sự phấn khích của mình khi cảm nhận được sự thú vị của thế giới xung quanh.
Bé có thể kiểm soát được phần đầu của mình tốt hơn. Mặc dù không có vẻ yếu ớt như trước, bé vẫn cần bạn hỗ trợ nhiều khi được bế trên tay.
Có nhiều lực hơn ở phần trên cơ thể. Bé đã có thể nhấc đầu lên khi nằm sấp nhưng vẫn cần được đặt nằm thẳng lưng khi ngủ.
Thích đưa bàn tay ra trước mắt để quan sát. Mặc dù chưa kiểm soát tốt bàn tay, bé đã có thể dùng mắt để quan sát và tìm hiểu về các đối tượng xung quanh.
Ngủ từ 3 đến 4 giờ mỗi lần. Nếu ngủ nhiều hơn, bạn nên đánh thức bé dậy để cho ăn.
Khi bé được 2 tháng tuổi
Bạn sẽ vẫn phải dự đoán chu kỳ sinh hoạt của bé nhưng thời gian biểu ăn và ngủ của bé đã dần trở nên ổn định hơn. Khi bé dần làm quen với việc nằm nôi, bé sẽ cư xử hệt như một con búp bê vậy. Bé sẽ dùng nụ cười để thể hiện hành động của mình, “trò chuyện” rất nhiều và vui mừng khi nhìn thấy bạn.
Bạn cũng sẽ nhận thấy những đặc điểm sau ở bé:
Bố mẹ dễ khiến bé im lặng hơn là người lạ.
Chăm chú theo dõi bạn và những người bé thích, đặc biệt lúc trước và sau khi ăn.
Điều khiển được phần đầu tốt hơn, miễn là bé được giữ yên trên tay.
Thích được bế trên vai hoặc ngồi thẳng với phần nách được đỡ lên.
Chống tay và ngẩng đầu lên khi được đặt nằm sấp. Nên thường xuyên đặt bé ở tư thế này để bé được luyện tập phần cổ và vai.
Đột ngột lăn người từ sấp sang ngửa.
Tự duỗi thẳng người và mở bàn tay nhiều hơn.
Vô tình nắm được bàn tay còn lại của mình và tự cảm nhận chúng. Các món đồ chơi cũng dần trở thành một phần cuộc sống của bé.
4 giai đoạn phát triển của trẻ sơ sinh trong năm đầu tiên
Giai đoạn 1: trẻ từ 1 đến 3 tháng tuổi
Trong giai đoạn phát triển đầu tiên này, cơ thể và bộ não của trẻ sơ sinh đang học làm quen với thế giới bên ngoài. Từ sơ sinh đến ba tháng, em bé của bạn có thể bắt đầu:
Đến tháng thứ 3 trẻ có thể biết ngóc đầu và lẫy
- Trong vòng 3 tháng đầu trẻ sẽ học cách cười và đáp lại nụ cười của bạn
- Trẻ sẽ cố gắng để nâng đầu và ngực lên cao, điều này cho thấy hệ cơ và xương của trẻ đã được nâng lên một mức độ mới
- Chăm chú nhìn theo những đồ vật dễ gây sự chú ý
- Đưa tay lên miệng
- Cầm nắm đồ vật
- Nắm hoặc chạm vào những đồ vật trong tầm mắt, mặc dù những đồ vật này ở trong khoảng cách không thể với tới
Giai đoạn 2: trẻ từ 4 đến 6 tháng tuổi
Trong những tháng này, các bé thực sự học cách tiếp cận và thực hiện những điều mà trẻ muốn với thế giới xung quanh chúng. Trẻ có thể nắm chặt đồ vật xung quanh bằng tay và tạo ra những âm thanh như tiếng nói hay tiếng cười một cách rõ nét. Từ 4 đến 6 tháng tuổi, bé có thể sẽ:
- Lật qua lật lại và trườn tới nơi mà mình muốn
- Phát ra âm thanh như ngôn ngữ thực
- Cười thành tiếng
- Đưa tay ra và lấy các đồ vật trong tầm mắt của trẻ, có thể dùng tay để điều khiển đồ chơi và các vật khác
Giai đoạn 3: trẻ từ 7 đến 9 tháng tuổi
Trong giai đoạn nửa cuối năm đầu tiên của trẻ sơ sinh, bé sẽ hoạt động và di chuyển nhiều hơn khi xác định có thể đến một vị trí nào đó bằng cách lết hoặc bò, trẻ sẽ mất vài tháng để khám phá cách bò tiến hoặc bò lùi. Cha mẹ nên dành thời gian để cùng con tận hưởng khoảng thời gian này.
- Bé bắt đầu bò bằng tay và đầu gối, bao gồm cả việc trườn, một số trẻ sẽ không bò mà chuyển từ giai đoạn trường sang đi
- Trẻ có thể ngồi mà không cần phải hỗ trợ
- Trẻ có thể đáp lại và phản ứng với những từ quen thuộc, chẳng hạn như tên của trẻ bằng cách dừng lại và nhìn bạn, một số trẻ nói sớm sẽ bắt đầu bập bẹ được những từ đơn giản như ba, me...
- Trẻ biết vỗ tay và thích chơi những trò chơi như trốn tìm, tìm đồ vật
- Cha mẹ cần dùng các phương pháp để kích thích trí não trẻ phát triển và cần đặc biệt chú ý bảo vệ an toàn cho trẻ.
Giai đoạn 4: trẻ từ 10 đến 12 tháng tuổi
Giai đoạn cuối trong năm đầu tiên của trẻ là giai đoạn đánh dấu quá trình chuyển đổi rõ rệt từ trẻ sơ sinh sang em bé. Tất nhiên, trẻ cũng cũng vẫn chỉ là một đứa bé. Giai đoạn này, trẻ đang học cách:
- Bắt đầu tự ăn bằng muỗng, thành thạo kỹ năng cầm nắm hơn, có thể giữ đồ vật bằng ngón trỏ và ngón cái
- Trẻ có thể cầm nắm khi đi bộ nhằm khám phá thế giới xung quanh
- Trẻ có thể nói một hoặc hai từ đơn giản như cha, mẹ. Trung bình trẻ sẽ nói được 3 từ trước sinh nhật đầu tiên, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào sự phát triển kỹ năng của từng trẻ
- Chỉ vào đồ vật mà trẻ muốn để thu hút sự chú ý của cha mẹ
- Trẻ bắt đầu học theo những hành động của bạn, chẳng hạn như giả vờ nghe điện thoại
- Bạn hãy đồng hành cùng trẻ trong những bước đi đầu đời và giữ an toàn cho trẻ trước những nguy hiểm có thể xảy ra. Hoàn thiện các kỹ năng của trẻ bằng các phối hợp các phương pháp giáo dục sớm.
Ở giai đoạn này, ngoài sự nỗ lực của trẻ, cha mẹ cũng cần tin tưởng vào bản năng của mình. Nếu thực sự cảm thấy có gì đó không ổn, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ bởi nếu có vấn đề gì thì can thiệp sớm là tốt nhất và bạn chính là người hiểu rõ con bạn nhất.
Cha mẹ cần theo dõi và động viên để trẻ có thể hoàn thiện các kỹ năng
Thực tế không có một khoảng thời gian nào là chính xác tuyệt đối để trẻ thực hiện các kỹ năng của bản thân. Nếu trẻ chưa đạt được những kỹ năng theo các giai đoạn trên thì bạn cũng không nên quá lo lắng bởi đây là điều hoàn toàn bình thường trong sự phát triển của trẻ sơ sinh.
Xem thêm:
- Trẻ quá nghịch ngợm: Tuyệt chiêu thông minh cho các mẹ!
- Trẻ mất tập trung: Nguyên nhân, phương pháp dạy con hiệu quả
- Bí quyết giúp bé thích đến trường - Cách giúp trẻ thích nghi với trường lớp
16 cột mốc phát triển của trẻ trong năm đầu tiên
Nâng đầu lên: Sự kiện đầu tiên đánh dấu mốc phát triển của trẻ
- Cuối tháng đầu tiên sau sinh, một trong những cột mốc quan trọng trong sự phát triển của trẻ đó là khả năng cố gắng nâng đầu lên 1 xíu khi được đặt nằm sấp.
- Cuối tháng thứ 2, bé có thể nhấc đầu lên đến 45° và đặt tay bên dưới bụng khi được đặt nằm sấp.
- Bé có thể giữ đầu ổn định vào cuối tháng thứ tư. Lúc này, bé đã nâng đầu lên được 90° khi nằm sấp và kiểm soát cử động đầu tốt hơn.
- Đến tháng thứ 6, bé gần như đã kiểm soát được toàn bộ đầu của mình và có thể xoay qua xoay lại để quan sát mọi vật xung quanh. Bên cạnh đó, bé có thể tự nâng đầu, ngực và bụng khỏi mặt phẳng chỉ bằng hai tay hơi chụm vào nhau và ở tư thế này, bé có thể ngẩng đầu nhìn về phía trước, bé còn cố gắng dùng một tay để nâng người.
- Cuối tháng thứ 7, bé đã hoàn toàn kiểm soát được đầu của mình và xoay chuyển đầu qua hai bên dễ dàng.
Phát ra âm thanh
Trẻ bắt đầu biết nói
- Tháng thứ 2, bé bắt đầu phát ra âm thanh.
- Cuối tháng thứ 3, bé bắt đầu bi bô, ríu rít do sự phát triển của dây thanh quản. Đến tháng thứ tư, bé bắt đầu tập nói những âm tiết đơn giản như “Ah”, “Eh”, “Oh”…
- Đến cuối tháng thứ 6, bé bắt đầu biết xâu chuỗi những nguyên âm lại với nhau như “Aaoo” hoặc “Eeaa”. Điều này cũng đúng với những phụ âm như “Mh”, “Dh” và “Bh”.
- Cuối tháng thứ 8, bé bắt đầu nói “baba” nhưng vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của nó. Vì vậy, ai bé cũng sẽ gọi là baba.
- Cuối tháng thứ 9, bé đã bắt chước được một số từ mặc dù phát âm của bé vẫn còn ngọng líu ngọng lo. Đến 1 tuổi, bé đã nói được “mẹ”, “ba” và một số từ đơn giản khác như “không”, “đi”…
Lật
- 4 tháng tuổi, nhiều bé biết lật người từ ngửa thành sấp và ngược lại.
- Đến tháng thứ 6, bạn sẽ thấy bé thực hiện những vòng lăn liên tục, đó là cách để bé di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác. Lúc này, cơ bụng của bé đã đủ khỏe cho hoạt động này.
Ngồi – Mốc phát triển của trẻ khi bé đạt 6 tháng tuổi
- Cuối tháng thứ 2, bé có thể giữ cơ thể ở tư thế ngồi nếu có sự hỗ trợ. Đến cuối tháng thứ 4, bé đã có thể ngồi thẳng lưng khi có sự hỗ trợ vì cơ cổ của bé đã phát triển đủ mạnh để tự nâng đầu lên.
- Đến tháng thứ 6, bé có thể tự ngồi mà không cần đến sự hỗ trợ. Đến 9 tháng, bé có thể tự ngồi một mình và ngồi trong một khoảng thời gian dài từ 7 – 10 phút.
- Sau 10 tháng, bé có thể chuyển từ nằm sấp sang ngồi và đến khi 1 tuổi, bé có thể chuyển từ tư thế đứng sang tư thế ngồi.
Trườn, bò
- Cuối tháng thứ 2, bé đã tự nhấc đầu lên và biết cách nâng ngực bằng cánh tay, bàn tay và cổ tay. Các kỹ năng này chính là tiền thân của động tác trườn, bò.
- Bé bắt đầu tập bò từ 7 – 9 tháng. Tuy nhiên, kỹ năng này hoàn thiện vào cuối tháng thứ 9. Việc trườn bò giúp cơ bắp của bé sẽ trở nên khỏe mạnh để đứng lên và bước đi.
Đứng – một trong các mốc phát triển của trẻ quan trọng cha mẹ nên quan tâm
- Khi bé được 3 tháng, nếu bạn giữ bé đứng thẳng, chân bé sẽ chịu một phần lực và thường con sẽ co chân lên.
- 4 tháng, bé bắt đầu đẩy chân xuống đất khi được đặt trên một bề mặt nào đó. Sau 6 tháng, bé sẽ đứng được và nhún nhảy khi có sự hỗ trợ.
Trẻ biết đứng
- Đến cuối tháng thứ 9, nhiều bé sẽ tự vịn vào vật cố định và đứng dậy, đứng yên một chỗ.
- 10 – 11 tháng nhiều bé đã tự bám vào đồ vật là lần đi từng bước.
- 1 tuổi, bé tự đứng dậy mà không cần sự hỗ trợ. Tuy nhiên, khi đứng bé cố gắng không vịn và tự bước một vài bước nhỏ.
Bước đi – Mốc phát triển của trẻ quan trọng nhất trong năm đầu tiên
- Khi đã đứng vững được, bé sẽ tập đi bộ. Đến cuối tháng 11, bé sẽ tự bước đi nếu được hỗ trợ.
- Sau 1 tuổi, bé sẽ cố gắng bước đi những bước đầu tiên một mình và đây sẽ là mốc phát triển quan trọng nhất của bé trong năm đầu tiên.
Cười
- Bạn sẽ thấy nụ cười đầu tiên của bé là ở tháng thứ 2. Ba tháng sau, bé biết mỉm cười với cha mẹ và những người khác.
- Khi lớn hơn một chút, bé sẽ cười trong một vài tình huống như khi nhìn thấy người thân quen, thấy món đồ chơi yêu thích, bình sữa hoặc chỉ đơn giản là thấy ai đó làm gì gây cười.
Các mốc phát triển thính giác của trẻ
- Trẻ sơ sinh có thể nghe thấy và do đó bé cảm thấy bình tĩnh khi nghe giọng nói của cha mẹ.
- Hai tháng tuổi, trẻ đã biết quay đầu về phía phát ra âm thanh, mặc dù cử động của bé không chính xác hoặc chỉ gần đúng.
- Cuối tháng thứ 3, bé có thể xác định được âm thanh phát ra từ đâu.
- 6 tháng tuổi, bé không chỉ nhận biết được nguồn phát ra âm thanh mà còn phản ứng lại với âm thanh đó. Đây là bước phát triển quan trọng của bé. Đến 9 tháng, não của trẻ bắt đầu xử lý âm thanh tốt hơn, bé biết bắt chước những âm thanh và tiếng ồn mà bé nghe thấy.
- Sau 12 tháng, thính giác của bé đã dần hoàn thiện. Giờ đây, bé đã nhận ra được đặc điểm của một số âm thanh và xác định được tiếng nói của người thân.
Thị giác
- Khi mới sinh, bé thường không nhìn thấy rõ và đôi mắt của bé không thể tập trung vào một vật thể. Màu sắc tươi sáng, rực rỡ, hình thể rõ ràng và các vật thể lớn sẽ làm thu hút sự chú ý của bé nhiều hơn.
- Bé sẽ nhìn rõ gương mặt bạn vào cuối tháng đầu tiên. Các vật có màu sắc rực rỡ cách khoảng 3 bước chân vẫn khiến bé thấy thích thú.
- Trong hai tháng đầu tiên, nhãn cầu của bé vẫn chưa vào đúng vị trí, điều này khiến bạn cảm thấy bé giống như bị lé. Đến cuối tháng thứ 2, bé đã bắt đầu ghi nhận vật thể theo cả trục dọc, trục xoay và dần chú ý đến khuôn mặt.
Thị giác ở trẻ sơ sinh
- Cuối tháng thứ 3, bé đã phối hợp được giữa tay và mắt.
- Tháng thứ 4, mắt bé đã dần hoàn thiện, bé nhìn xa hơn và nhìn 3 chiều tốt hơn.
- 5 tháng, tầm nhìn xa của bé trở nên tốt hơn, bé bắt đầu nhận ra khuôn mặt quen thuộc. Lúc này, bé cũng biết mỉm cười khi nhìn thấy những người quen hoặc những món đồ chơi yêu thích.
- Thị giác màu sắc của bé đã phát triển như người lớn.
- Sau 6 tháng, bé bắt đầu khám phá thế giới xung quanh. Vì vậy, bé sẽ học được cách phối hợp giữa tay và mắt. Cuối tháng thứ 9, bé biết xác định khoảng cách. Khả năng phối hợp tay và mắt tốt hơn khi bé biết bò. Đây cũng là giai đoạn mà bé thích các trò chơi như ú òa.
- Sau khi được một tuổi, bé bắt đầu nhìn thấy thế giới giống như người lớn. 1 tuổi, bé nhận diện được màu sắc, xác định khoảng cách và theo dõi một đối tượng đang di chuyển.
Giấc ngủ có ảnh hưởng đến các giai đoạn phát triển của trẻ
- Trong 2 tháng đầu, số giờ bé ngủ vào ban ngày sẽ bằng với ban đêm. Ví dụ, trẻ sơ sinh dưới 1 tháng thường ngủ tổng cộng 16 giờ, chia đều giữa ngày và đêm.
- Đến 6 tháng, số giờ ngủ vào ban ngày sẽ giảm xuống chỉ còn 4 giờ và số giờ ngủ vào ban đêm là từ 8 – 9 giờ.
- Khi bé 1 tuổi, ban ngày bé chỉ ngủ 3 giờ, ban đêm tăng lên 11 giờ.
Cầm nắm
- Khi bạn chạm ngón tay mình vào lòng bàn tay bé, bé sẽ nắm chặt bàn tay. Đây được gọi là phản xạ nắm bàn tay. Ngón chân và lòng bàn chân của bé cũng có phản xạ này và sẽ biến mất sau khi bé 6 tháng tuổi.
- 6 tháng tuổi, bé bắt đầu có phản xạ với đôi tay. Lúc này, bé có thể nắm một vật từ một bề mặt bằng phẳng bằng tất cả các ngón tay.
- Đến cuối tháng thứ 7, bé biết dùng đầu ngón cái và ngón trỏ để nắm các vật nhỏ một cách nhẹ nhàng.
- Kỹ năng cầm nắm sẽ phát triển hoàn chỉnh khi bé được 9 tháng tuổi. Lúc này, bé đã biết dùng cả ngón trỏ và ngón cái để cầm những vật nhỏ. Đây cũng là lúc mà bạn nên cho bé tập ăn bốc.
- Đến 12 tháng tuổi, bé có thể cầm chặt hơn, bé biết cách cầm đồ vật bằng ngón cái và các ngón tay khác.
Ăn thức ăn đặc
- Trẻ sơ sinh thường ăn những thức ăn lỏng vì hệ tiêu hóa của con vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Đến 6 tháng tuổi, đây là lúc bạn nên tập cho bé ăn những thức ăn đặc.
- Sau 7 tháng, bé đã bắt đầu biết di chuyển cơ hàm để nhai thức ăn và biết khép miệng khi được cho ăn bằng thìa.
- 8 tháng, bé có thể ăn được những món cứng hơn một chút.
- 9 tháng, bé biết cách cầm đồ ăn giữa ngón cái và ngón trỏ. Đây là lúc mà bạn nên tập cho bé ăn bốc.
- Bé càng lớn thì phản xạ buồn nôn cũng mất dần. Đây vốn là một bản năng của trẻ nhỏ khi có vật lạ chạm vào phần sau của lưỡi hay họng. Ngoài ra, khi bé lớn thì bé cũng điều khiển lưỡi, hàm nhai và khả năng mở miệng tốt hơn khi được cho ăn bằng thìa.
- Khi 1 tuổi, bé có thể dễ dàng bốc thức ăn bằng ngón tay. Lúc này, bạn có thể bắt đầu cho bé ăn trứng và uống sữa.
Mọc răng – mốc phát triển của trẻ từ 7 tháng tuổi
- Chiếc răng đầu tiên xuất hiện chính là hai chiếc răng cửa ở hàm dưới khi bé được từ 7 – 8 tháng.
- Những chiếc răng cửa ở hàm trên sẽ mọc khi bé được 9 – 10 tháng.
- Những chiếc răng khác ở hàm dưới sẽ mọc ở tháng thứ 11 – 12, còn những chiếc răng ở hàm trên sẽ mọc từ tháng thứ 12 – 13.
- Khi bé gần được 1 tuổi, bé sẽ có 8 chiếc răng: 4 chiếc răng cửa và 4 chiếc răng kế bên răng cửa ở cả hàm trên và hàm dưới.
Nhận thức
- 2 tháng tuổi, bé bắt đầu biết quan sát thế giới xung quanh, gồm cả đồ vật và con người.
- Mốc phát triển quan trọng về nhận thức xảy ra khi bé được 4 tháng tuổi. Bé bắt đầu hiểu về nguyên nhân và kết quả. Bé sẽ thử các hành động khác nhau để quan sát kết quả của các hành động này và quan sát phản ứng của người chăm sóc bé.
- 6 tháng tuổi, bé bắt đầu biết tò mò về mọi thứ và biết cách cầm các vật để xem xét. Đây cũng là lúc bé bắt đầu làm quen với tên gọi của đồ vật.
- Sau 7 tháng, bé sẽ hiểu rằng vật thể sẽ không biến mất khi được giấu dưới những vật thể khác. Vì vậy, bé bắt đầu thích các hoạt động che giấu và tìm kiếm.
Nhận thức ở trẻ phát triển
- Một đứa bé 8 tháng tuổi sẽ tập trung chú ý được khoảng 3 phút nhưng lại tò mò về nhiều thứ mà bé thấy xung quanh.
- 9 tháng, bé bắt đầu bắt chước các cử chỉ. Đây là mốc phát triển quan trọng mang tính trí tuệ trong năm đầu tiên. Đến cuối tháng thứ 10, bé sẽ thông minh hơn. Ví dụ, nếu bạn giấu thứ gì đó trước mặt bé, bé sẽ bò lại và tìm cho ra vật đó.
- Đến khi 1 tuổi, bé sẽ biết rõ tên và đặc điểm của một số vật xung quanh. Bé sẽ biết điện thoại là phải kê vào tai và lược là dùng để chải tóc. Bên cạnh đó, bé cũng bắt đầu học các kỹ năng mới bằng cách quan sát ba mẹ và người chăm sóc.
Phát triển kỹ năng xã hội và tình cảm
- Trẻ sơ sinh cảm nhận được những người quen thuộc như ba mẹ. Khi bé khóc, nếu nghe thấy tiếng ba mẹ hoặc được ba mẹ ôm ấp, bé sẽ ngừng khóc.
- Cuối tháng thứ 2, bé hiểu rằng ba mẹ là những người chăm sóc bé. Bé sẽ biết mỉm cười với những người quen thuộc với bé như ông bà, anh chị em…
- 4 tháng tuổi, bé sẽ thích chơi đùa với mọi người, mỉm cười và khóc khi đói, mệt mỏi hoặc đau đớn.
- Đến 6 tháng, bé nhớ khuôn mặt của những người thân và bắt đầu cảm thấy khó chịu khi thấy người lạ. Đây cũng là độ tuổi mà bé có những hành vi khá kỳ lạ như nhút nhát, cáu kỉnh hoặc thân thiện.
- 8 tháng tuổi, bé hiểu rằng ba mẹ đem đến cho bé cảm giác ấm áp và an toàn. Đó là lý do tại sao bé thường khóc nhiều khi không thấy ba mẹ. Bé sẽ cảm thấy khó chịu khi được người lạ ôm. Tuy nhiên, bé vẫn sẽ thân thiện với những người thường xuyên chơi với bé.
Một số cách giúp trẻ sơ sinh phát triển tích cực trong năm đầu tiên
Sau đây là một số điều bạn nên thực hiện , với tư cách là cha mẹ để giúp con bạn phát triển tích cực trong thời gian này:
- Bạn nên dành thời gian để trò chuyện với trẻ. Trẻ sẽ thấy an toàn hơn khi nghe thấy giọng nói của bạn.
- Trả lời khi bé phát ra âm thanh bằng cách lặp lại âm thanh và thêm từ. Điều này sẽ giúp trẻ học cách sử dụng ngôn ngữ.
- Đọc cho bé nghe: Điều này sẽ giúp bé hiểu ngôn ngữ và âm thanh.
- Hát cho bé nghe và chơi cùng bé: Điều này sẽ giúp bé có niềm yêu thích với âm nhạc và sẽ giúp não bộ phát triển.
- Cần tích cực khen ngợi và dành nhiều sự quan tâm yêu thương trẻ.
- Dành thời gian âu yếm và bế trẻ nhiều nhất có thể. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy được chăm sóc và an toàn.
Nên dành nhiều thời gian trò chuyện và âm yếm trẻ
- Chế độ ăn uống của trẻ: cân nặng của trẻ sơ sinh ở giai đoạn này là một trong các mối quan tâm lớn nhất của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên bạn không nên quá đặt nặng vấn đề này, dễ gây áp lực tâm lý đối với bản thân cũng như với trẻ. Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ 1 tuổi giúp trẻ khỏe mạnh hơn.
- Chơi với trẻ: Quan sát trẻ thật kỹ để biết dấu hiệu mệt mỏi hay quấy khóc để trẻ nghỉ chơi.
- Đánh lạc hướng trẻ bằng đồ chơi và đưa bé đến khu vực an toàn khi bé bắt đầu di chuyển và chạm vào những thứ bé không nên chạm vào.
- Chăm sóc bản thân về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Làm cha mẹ có thể là công việc khó khăn, việc chăm sóc trẻ sơ sinh sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu cha mẹ luôn nghĩ theo hướng tích cực nhất và biết yêu thương bản thân.
Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh trong những năm đầu tiên
Bạn cần đảm bảo môi trường xung quanh trẻ được an toàn. Là cha mẹ, công việc của bạn chính là cần tạo sự an toàn cho trẻ, bao gồm cả thể xác và cảm xúc. Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh trong những năm đầu tiên:
- Đừng lay trẻ bởi lúc này cổ của trẻ còn rất yếu. Nếu bạn lắc trẻ,bởi điều này có thể gây tổn thương não, thậm chí khiến trẻ tử vong
- Hãy chắc chắn rằng bạn luôn để ý mỗi khi trẻ ngủ bởi một số trẻ có thể mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh ( SIDS)
- Khi ngồi oto, cần đặt bé ngồi ghế sau và có ghế riêng dành cho trẻ sơ sinh
- Thức ăn của trẻ cần được cắt thành miếng nhỏ để tránh tình trạng trẻ bị nghẹn. Ngoài ra, không nên cho trẻ chơi những đồ vật có kích thước nhỏ bởi trẻ rất dễ nuốt những đồ vật này
- Bảo vệ trẻ khỏi khói thuốc. Không cho phép bất cứ ai hút thuốc trong nhà bạn
- Không để trẻ chơi bất cứ thứ gì che mặt của trẻ
- Không bao giờ để thức ăn nóng hay nước nóng gần trẻ
- Cần tiêm vắc - xin cho trẻ đầy đủ và đúng thời gian để bảo vệ sức khỏe.
Nên nhớ, các giai đoạn phát triển của trẻ thường không giống nhau ở mỗi cá thể. Vì vậy, bạn cần phải kiên nhẫn. Các trò chơi đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp bé đạt được những cột mốc phát triển quan trọng đúng thời điểm. Chơi, tương tác và giao tiếp sẽ giúp bé phát triển tốt hơn. Các bài viết của phucngocan.com chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Xem thêm các bài viết sau: