Tâm lý bé 3 tuổi lần đầu đi học - Cách dỗ trẻ không chịu đi học – Công Ty Nam Nguyên Dược

Tâm lý bé 3 tuổi lần đầu đi học - Cách dỗ trẻ không chịu đi học

Bắt đầu đi học mầm non, tiểu học hay đơn giản hơn là quay lại trường học sau một kỳ nghỉ dài luôn khiến các bạn nhỏ cảm thấy vô cùng khó khăn để làm quen và thích nghi. Để giúp các con ổn định tâm lý trước khi đến trường cũng như dễ dàng vượt qua nỗi sợ đi học, bố mẹ nên dành thời gian nói chuyện với con và áp dụng những lời khuyên cho trẻ 3 tuổi không chịu đi học mà phucngocan.com tổng hợp dưới đây nhé.

1. Bất lực con không chịu đi học

"Cứ sáng thức dậy con bé nhà tôi lại khóc không chịu đi học. Dỗ thế nào cũng không được, trừ khi cho ở nhà. Tối ngủ thì hay giật mình, thậm chí tè dầm ra giường", chị Thảo Nguyên (Thủ Đức, TP.HCM) than thở.

Chị cho biết trước khi cho con đi học, gia đình đã tìm hiểu và chọn một ngôi trường có cơ sở vật chất khang trang, khu vui chơi đa dạng, thầy cô được đào tạo bài bản, tổ chức lớp học phù hợp… nên chị thấy bất lực khi đi học đã nhiều ngày mà con vẫn khóc.

Chị Hoàng Thị Hà (Bình Thạnh, TP.HCM) thì kể khổ: "Tôi cho con trai đi học từ khi 3 tuổi, nay cháu vào lớp 1 nhưng sáng nào cũng lằng nhằng không chịu đi học, không ăn sáng, cứ nằm lì trên giường giả điếc khi nghe mẹ gọi. Sáng nào đi học cũng hò hét nhặng xị cả lên mới chịu đi, quá sức mệt mỏi".

Theo TS tâm lý Lê Duy Tuấn, Đại học Nguyễn Huệ, những ngày đầu đến trường trẻ gặp khó khăn tâm lý là chuyện bình thường, nhưng nếu một đứa trẻ thường xuyên khóc lóc, khó thích nghi ở trường, thậm chí là rối loạn cảm xúc thì không phải chuyện nhỏ.

Làm gì khi trẻ không chịu đi học?

Bất lực khi con không chịu đi học

"Các bậc phụ huynh có con nhỏ lần đầu đến trường cần tìm hiểu kỹ, tránh tâm lý đơn giản cho rằng dần dần trẻ sẽ quen hết và bỏ qua những dấu hiệu rối loạn của trẻ.

Nếu trẻ đi học sau hơn nửa tháng mà có những rối nhiễu cơ thể như nhức đầu, đau bụng, nôn ói, căng thẳng, sợ hãi, ngủ không ngon giấc...kéo dài, cha mẹ cần đưa bé đến trung tâm tư vấn tâm lý hay bệnh viện.

Các bác sĩ, chuyên gia tâm lý sẽ tìm hiểu nguyên nhân, do nguyên nhân khách quan từ trường lớp, cô giáo... hay do trẻ nhạy cảm, nhút nhát, mè nheo để có biện pháp xử lý kịp thời", TS Tuấn khuyến cáo.

Cũng theo TS Tuấn, trước khi đến trường, cha mẹ cần chuẩn bị thật tốt cho trẻ, nhất là giúp trẻ vững vàng về tâm lý. Hãy để cho trẻ thực sự thích nghi một cách tự nhiên với trường lớp, bạn bè thì khi trẻ chính thức đến trường các bé sẽ tự tin và dễ hòa nhập.

Xem thêm: Những hoạt động thú vị tại nhà dành cho bé trong mùa dịch

2. Phụ huynh trẻ mầm mất ăn mất ngủ vì lo cho con

Ngồi trong giờ làm việc, nhưng vợ chồng chị Mai vẫn luôn dõi theo từng hành động cử chỉ của con qua hệ thống camera giám sát trong lớp học. “Trong khi các bạn chạy tung tăng múa theo nhạc thì con cứ nép mình bên cạnh cô giáo. Cô dỗ sao cũng không chịu ra chơi với các bạn. Giờ nghỉ trưa con mệt nên ngủ lịm đi. Chiều tỉnh dậy lại khóc đòi về với bà nội, với bố mẹ. Nhìn con khóc nhiều, nấc đến mức trớ sữa, vợ chồng tôi như muốn “phi” ngay qua trường đón con”, chị Mai nói.

Trẻ con không chịu đi học

Cô trò trường mầm non ban mai

Không những thế, bà nội cháu ở nhà cũng sốt ruột không kém, chốc chốc lại gọi điện hỏi vợ chồng chị “cập nhật” tình hình ra sao, cháu có khóc nhiều không, có ăn được gì không… Vừa làm việc vừa kiểm tra xem con thế nào rồi báo cáo lại với “cấp trên” ở nhà khiến chị lúc nào cũng trong tình trạng bận rộn.

Chị tâm sự: “Tôi chẳng còn thời gian chú tâm cho công việc nữa. Lúc nào cũng phải “canh” trước màn hình máy tính để quan sát con. Đi ăn mà tay cứ lăm lăm cái điện thoại để xem con ngủ hay chưa, còn khóc nữa không. Đồng nghiệp trêu, cứ như mình nhà tôi có con không bằng”.

Còn chị Thu cho hay, sau 3 hôm bị ép “cắp sách tới trường” bé nhà chị “lăn” ra ốm. Cháu ho nhiều kèm sốt cao, vợ chồng chị phải đưa ra bệnh viện đa khoa gần nhà khám và điều trị.

“Chắc do thay đổi giờ giấc sinh hoạt nên cháu chưa quen. Khi chưa đi học, cháu ngủ đến 8-9 giờ sáng mới chịu dậy. Cháu đi học mà như đi “đánh trận”. Ngủ gật trên đường tới trường, vào lớp vẫn trong trạng thái mắt nhắm mắt mở. Mới có 3 hôm mà nhìn con sút hẳn đi. Trước cháu ngủ ngoan lắm, ngủ một mạch từ tối tới sáng nhưng từ hôm đi học, đêm nào cháu cũng quấy. Mẹ ôm ngủ mà vẫn bị giật mình rồi tự dưng khóc thét lên. Cả đêm vỗ về, dỗ dành con khiến tôi cũng không sao chợp mắt được. Thấy tội cho con quá”, chị Thu nghẹn ngào.

3. Lý do nào khiến bé không chịu đi học?

3.1. Do được cưng chiều quá nhiều

Hình dung ngay được là các bạn trẻ nhỏ không chịu đi học là thường đang được bố mẹ cưng chiều quá nhiều. Trong thời gian học mầm non có lẽ các bé đã được bao bọc và muốn gì được nấy. Sự đòi hỏi của bé sẽ luôn được đáp ứng và thái quá nên bé sẽ rất ham chơi, ham ăn ham ngủ. Giờ đến tuổi đi học, bé bị bố mẹ đưa đến trường để học với chúng bạn thì hẳn là không chịu rồi!

3.2. Do bé chưa quen với việc học tập cả ngày tại trường

Bé 6 tuổi không chịu đi học là vì bé bị ép đi học cả ngày tại nhà cô giáo tiểu học. Với học sinh mầm non đang quen chơi là chính, chưa thích nghi với việc tập trung ngồi học chữ, số … thì việc học cả ngày với bé là một gánh nặng cho cả sức khỏe, tâm lý và thói quen.

3.3. Do bé lạ trường, lạ lớp và sợ sệt việc đến trường

Đối diện với một môi trường mới, không đứa trẻ nào là không sợ sệt và lạ lẫm. Nhiều bé sợ và òa khóc vì phải xa bố mẹ và căn phòng đồ chơi yêu thương của bé. Với trường hợp này, bố mẹ phải hết sức nhẹ nhàng và khuyên bảo, dỗ dành trẻ.

3.4. Nguyên nhân về tâm lý của trẻ

Với các bé học sinh mẫu giáo, các em chưa sẵn sàng tới trường chủ yếu do chưa muốn tách khỏi mẹ. Các bé thường thích ở nhà để được mẹ chơi với mình nhiều hơn, với suy nghĩ đó trẻ thường khóc lóc khi đến lớp. Hơn nữa, đến lớp bé thấy xa lạ khi xung quanh mình là bạn bè, cô giáo mà không phải là gia đình mình.

Nguyên nhân trẻ sợ đi học

Khi điều trị tâm lý cho trẻ sợ đi học, các bác sĩ phát hiện đa số những trẻ này là con cưng trong gia đình. Do “cưng” trẻ quá mức nên các bậc cha mẹ chưa chuẩn bị kỹ năng sống và bé ngại do thích ứng kém, khi đó các em không thể tự tin đến trường. Bé không biết sinh hoạt cá nhân, không biết tự lo cho bản thân mình lại ở một ngôi trường mới, một lớp học mới khiến việc hòa nhập rất khó khăn. Đó thường là các bé nhút nhát, khó hòa nhập, ít tiếp xúc với bên ngoài. Khi bắt đầu đi học, các bé phải thích nghi với một giai đoạn chuyển tiếp, từ hoạt động chơi với yếu tố hứng thú là chính sang hoạt động học tập mà điều người lớn quan tâm nhất là kết quả. Điều đó khiến bé cảm thấy căng thẳng, khó tuân thủ các yêu cầu của cô như tập trung nghe giảng, làm bài tập đầy đủ…

3.5. Nguyên nhân khách quan từ phía nhà trường, giáo viên và bạn bè

Nhiều bé đang đi học ngoan bỗng dưng sợ đến lớp. Đi học về thấy con buồn bã hoặc bị trầy xước, bố mẹ nên hỏi con đi học thế nào, ở lớp con chơi với các bạn ra sao, cô giáo đối với con như thế nào để tìm hiểu nguyên nhân vì sao con sợ đến lớp.

Nguyên nhân khách quan từ nhà trường, giáo viên và bạn bè

Nếu cô giáo mách con hay đánh nhau với các bạn, bố mẹ không nên quát mắng hay đánh con. Hãy hỏi con vì sao con và bạn lại đánh nhau để phân tích xem ai nên làm gì.

Bố mẹ nên cùng con đọc những cuốn sách như: “Vì sao tớ không nên đánh lộn”. Bố mẹ không nên quá nhấn mạnh hoặc nhắc đi nhắc lại việc con đánh nhau. Các phụ huynh hãy hướng con đến những việc làm tích cực như: mai đi học con và các bạn sẽ chơi vui với nhau, các bạn sẽ nhường đồ chơi cho nhau. Hỏi con xem nếu bạn thích chơi đồ chơi này, con có thể chơi đồ chơi khác được không, hoặc con có nghĩ ra cách nào để cả con và bạn có thể chơi chung món đồ chơi đó…

Nếu ở lớp con bị các bạn trêu chọc vì lý do gì đó, bố mẹ nên nói chuyện với cô giáo nhờ cô giáo can thiệp giúp. Cô nên tạo điều kiện cho con cảm giác tự tin khi ở lớp. Nếu bé chưa quen với đồ ăn ở trên lớp, bố mẹ có thể hỏi cô giáo xem bố mẹ có thể mang thêm đồ ăn cho con không?

Xem thêm:

4. Cách dỗ trẻ mầm non đi học không khóc

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty Tư vấn Tâm lý An Việt Sơn, việc trẻ thường xuyên khóc đòi bố mẹ là do chưa thích nghi được với môi trường mới nên lạ lẫm, sợ hãi là điều không tránh khỏi. Đối với những trẻ dễ thích nghi, quá trình làm quen chỉ mất từ 1-3 ngày. Với những trẻ ít tiếp xúc với người lạ, thời gian hòa nhập cộng đồng sẽ lâu hơn. Thời gian làm quen dài hay ngắn tùy thuộc vào mức độ sợ đám đông của mỗi trẻ, cách chăm sóc của thầy cô tại lớp và sự động viên từ phía gia đình.

Ông Nguyễn An Chất khuyến cáo, để tránh trường hợp trẻ quá lạ lẫm với môi trường mới, các bậc phụ huynh phải cho trẻ làm quen với những nơi đông người càng sớm càng tốt. Việc đưa trẻ đến các khu vui chơi của trường hoặc đứng từ ngoài quan sát các bạn tham gia hoạt động tập thể sẽ góp phần tạo hứng thú cho trẻ trước khi đến lớp.

Bố mẹ nên kể cho trẻ nghe những mẩu truyện hoặc cho trẻ xem đoạn video ngắn về các hoạt động bé có thể tham gia khi đến trường. Điều này sẽ giúp trẻ không quá bỡ ngỡ như đang “lạc” vào thế giới khác.

Bố mẹ cũng không được quá mủi lòng. Ngày đầu đưa trẻ tới trường cần chào nhanh gọn, tránh dặn dò quá dài vì nó sẽ khiến trẻ tủi thân và bật khóc ngay lúc đó.

Cố gắng động viên, vỗ về trẻ sau mỗi buổi đến trường. Nếu trẻ có thể kể lại các hoạt động diễn ra tại lớp thì sẽ sớm làm quen và hòa nhập với môi trường mới.

5. Cách dỗ trẻ mầm non đi học không khóc theo kinh nghiệm phụ huynh

Bạn sẽ làm gì để giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn của ngày đầu đến lớp? Sau đây mẹ cu Kit sẽ chia sẻ cùng các mẹ một vài kinh nghiệm xương máu khi cho con đi nhà trẻ. Hy vọng sẽ giúp các mẹ có một chút kinh nghiệm để đối phó với những khó khăn trong những ngày đầu con đi nhà trẻ.

Trẻ con không chịu đi học

Con đi học mầm non 2 tháng vẫn khóc

Hầu hết các bé thời gian đầu đều không thích đi học. Theo quan sát của mình thì các bé sẽ khóc khoảng 2 tuần đầu tiên khi tới lớp. Từ tuần thứ 3 trở đi, các bé sẽ quen dần với môi trường mới và sẽ chịu hợp tác hơn.

Tuy nhiên, có một số bé vẫn khóc dù đã đi học được 3 tuần, thậm chí 1 tháng. Đặc biệt hơn, có những bé dù đã đi được 2, 3 thậm chí 5 tháng nhưng vẫn khóc khi được bố mẹ cho đến lớp và khóc rất nhiều khi vào lớp. Tuy nhiên, chỉ một lúc sau con lại ngoan, chịu chơi với các bạn và khi được đón về thì lại rất vui vẻ, hào hứng thậm chí còn không chịu về nữa.

Con trai mình thuộc vào loại này. Dù đã đi lớp được 2 tháng nhưng sáng nào khi đưa con đi học đối với mình cũng là một cực hình vì cu cậu khóc lóc, mè nheo, ỉ ôi đủ thứ khiến mẹ stress nặng nề. Tuy nhiên,  bằng việc áp dụng một số phương pháp sau đây, tình trạng này đã thuyên giảm đáng kể.

5.1. Mượn đồ chơi ở lớp để mang về nhà

“Con không đi học đâu, ở nhà cơ” là câu cửa miệng của cậu con trai 2 tuổi của mình mỗi khi thức dậy vào buổi sáng. Dù trước đó mình đã thử nhiều cách từ mềm mỏng, cứng rắn, rồi nửa mềm mỏng, nửa cứng rắn, nhưng vẫn không mang lại hiệu quả gì. Con vẫn khóc thậm chí còn gào rất to khi chuyển từ tay mẹ sang tay cô.

Mẹ vẫn phải gạt nước mắt bước đi không do dự. Nhưng đến chiều, khi được mẹ đón về bé lại rất vui vẻ, có khi còn bảo mẹ về đi, con ở đây thôi!

Thế rồi mình dùng cách này: Lợi dụng tâm lý thoải mái, dễ chịu của con khi mẹ đón vào buổi chiều để cả hai mẹ còn cùng trò chuyện. Cùng với con nán lại lớp học một chút, cho con chơi tự do cùng với cô, các bạn ở trường và những trò chơi: Nhà bóng, ú oà, xếp hình… ở lớp học. Trong quá trình con chơi, mẹ tranh thủ để trò chuyện với cô giáo trực tiếp trông nom và dạy con học để tìm hiểu về những hoạt động trong ngày của con.

Nếu con không muốn về mà vẫn còn mải mê với những đồ chơi còn dang dở ở lớp thì hãy nói với con rằng: Mẹ sẽ nói với cô giáo cho con mượn một thứ đồ chơi để mang về nhà và sáng ngày mai khi đi học, con phải mang thứ đồ chơi đó ra trả cho cô nhé! Hãy nói điều này khi có bé, bạn và cô cùng ở đó. Tất nhiên, là con của bạn sẽ rất vui mừng vì bé đang chơi những đồ chơi đó rất say sưa mà.

Sáng ngày hôm sau, trước khi đến lớp, nếu con vẫn còn khóc, bạn hãy đưa thoả thuận từ hôm trước này để nói với bé: Hôm qua con đã hứa với cô và mẹ là sáng nay phải mang bóng ra trả cho cô rồi mà. Con đã mượn để mang về chơi còn gì? Con có nhớ không? Vì vậy, bây giờ con nên đến lớp để trả đồ chơi cho cô chứ? Bé sẽ nhớ lại giao ước từ chiều qua giữa mẹ, cô và bé để ngoan ngoan tới lớp trả đồ cho cô.

5.2. Mang đồ chơi con yêu thích ở nhà tới lớp

Những ngày đầu tiên đi học, con sẽ có cảm giác như là bị mẹ bỏ rơi ở trường vậy. Dù rằng, cô có quan tâm, bạn bè có hoà đồng nhưng những điều đó sẽ chẳng có ý nghĩa gì vì với con, đó là những người hoàn toàn xa lạ. Mẹ hãy mang một chú thú nhồi bông xinh xắn, một chiếc gối ôm có hình con vật, một bình nước uống mà ở nhà mỗi khi con khát là lại chạy tới lấy, hay thậm chí là một chiếc khăn con yêu thích hay mang theo bên người…

Bất cứ thứ đồ vật hoặc đồ chơi nào con yêu thích dùng ở nhà đều có thể khiến con cảm thấy có chút gì đó an tâm, thân thuộc hơn trong những ngày này.

5.3. Con không đến lớp, bạn sẽ buồn đó!

Nếu con đã đi lớp được một thời gian, hẳn con đã có người bạn có thể chưa được gọi là thân nhưng là người bạn mà con hay chơi cùng nhất ở lớp. Trên thực tế thì những bé 2 tuổi có khả năng nhớ tên và chơi cùng với một số bạn trong lớp của mình.

Con trai mình khi đi lớp được khoảng hơn 1 tháng là có thể kể khá rành rọt ở lớp có bạn Mit, bạn Hà Anh, bạn Hiền, bạn Thuỳ Linh… Và thường xuyên kể chuyện về các bạn cho mẹ nghe.

Trẻ con không chịu đi học

Lời khuyên cho con không chịu đi học

Các mẹ nên tìm hiểu xem, ở lớp con quý bạn nào nhất, con thích chơi với bạn nào nhất để những khi con không muốn đi học mẹ có thể dùng đến “chiêu” này: Mẹ nói với con rằng, nếu hôm nay con không đi lớp, vắng con bạn Mít (chẳng hạn) sẽ buồn đó.

Thực sự thì “chiêu” này không chỉ hiệu quả đối với mình mà còn tỏ ra khá hiệu quả đối với một số mẹ khác. Các con sau khi nghe thấy mẹ nói vậy thường hăng hái và tích cực hẳn lên trong việc đến trường.

5.4. Con không đi học, vậy con ở nhà một mình nhé

Bạn cũng có thể nói với con rằng: Bây giờ, bố và mẹ phải đi làm, nếu con không muốn đến trường vậy thì được rồi, con ở nhà một mình nhé! Bé có thể sẽ gật “cái rụp”, nhưng sau cái gật ấy khi thấy bố mẹ bước đi bé sẽ hiểu chuyện và ngoan ngoãn leo lên xe để đến trường.

Tuy nhiên, không hẳn là bé nào cũng chịu khó hợp tác như vậy. Trong trường hợp bé bướng bỉnh hơn thì tuyệt đối bạn cũng không nên la mắng hay quát nạt con vì điều này chỉ như “đổ dầu vào lửa”. Nó không những làm cho bé thôi khóc mà còn khiến bé trở nên lì lợm và có tâm lý chống đối hơn.

5.5. Trò chuyện và kể chuyện cho con nghe trước khi đi ngủ

Buổi tối, trước khi đi ngủ, mẹ hãy dành ra một khoảng thời gian để hai mẹ con cùng trò chuyện với nhau. Hãy hỏi: Hôm nay con đi học có vui không? Hỏi con về các bạn, về cô giáo, về các hoạt động mà con làm trong ngày ở lớp.
Nếu bé không trả lời được cũng đừng vội buồn hay nản mà hãy xem đó là một cách để hai mẹ con tâm sự, trò chuyện giúp con đến gần hơn với trường học. Hãy cùng với con hát những bài hát về trường, về cô giáo… Mua cho con những cuốn chuyện có chủ đề xoay quanh những nội dung trên.

Mục đích là tạo ra niềm vui, sự gần gũi, hứng thú cho con đối với việc đi học. Đây là một biện pháp đòi hỏi bạn phải kiên trì thực hiện từng chút một. Sau một khoảng thời gian mới thấy được kết quả.

5.6. Xem xét lại thật kỹ về cô giáo, trường học

Ngày nay, có hơn một sự lựa chọn nếu không muốn nói là rất nhiều cho các mẹ về việc chọn trường cho con. Nếu bạn đã xem xét kỹ lưỡng về giáo viên, về điều kiện trường lớp, cùng với việc áp dụng rất nhiều cách khác nhau mà con bạn vẫn không ngoan khi đi học thì hãy suy nghĩ thêm về trường học, giáo viên của con nhé.

Hãy nhờ cô quan tâm đến con nhiều hơn một chút, cùng trao đổi trực tiếp và thẳng thắn với cô về những vấn đề liên quan để tìm ra phương pháp tốt nhất giúp con hoà nhập tốt.

Trên thực tế, có nhiều bà mẹ cho rằng: Con họ ngoan hơn hẳn và không còn khóc nữa khi được chuyển sang trường khác. Tuy nhiên, nếu có chuyển trường cho con bạn cũng nên làm thật kỹ khâu làm quen ban đầu của con với trường lớp và cô giáo.

Các chuyên gia khuyên rằng: Cha mẹ cần làm thật kỹ khâu chuẩn bị bằng cách trước khi đi học nên cho con đến lớp chơi trước để bé làm quen dần với cô, các bạn và không khí trường học. Những ngày đầu khi đi học, cha mẹ nên đến lớp cùng với con, đón con sớm hơn trước khi cho con học bán trú.

6. Những lời khuyên đặc biệt dành cho con

6.1. Kể về những hoạt động ở trường học

Nói với con về những trò chơi mà con sẽ chơi hay những môn học mà con sẽ làm quen, những người bạn mà con sẽ gặp và chắc chắn với con rằng bố mẹ luôn đến đón con vào lúc con tan học. Đừng đặt ra quá nhiều mục tiêu về thành tích hay những điều xa vời vào thời gian đầu đi học. Con sẽ choáng ngợp và lo lắng nhiều hơn. 

6.2. Gặp gỡ cô giáo

Nếu có thể gặp gỡ các cô giáo dạy ở lớp học của con trong tương lai thì con sẽ cảm thấy thoải mái và thân quen hơn khi bắt đầu đi học ở ngôi trường mới. Bởi con sẽ nhận ra đây là cô giáo mà con đã biết, một người con đã quen, và con sẽ không cảm thấy lạ lẫm khi bắt đầu đi học. 

6.3. Thăm trường lớp mà con sẽ học

Dẫn con đi thăm quan ngôi trường mới mà con sẽ học, chỉ cho con biết đâu là lớp học của con. 

Trẻ con không chịu đi học

Thăm quan trường lớp giúp con tự tin đi học hơn

Chỉ cho con nơi con ăn trưa, sân trường rộng lớn, những cây bóng mát, các khu nhà đặc biệt trong trường là cách để con bớt bỡ ngỡ trong ngày đầu đến trường. 

6.4. Kết bạn trước khi đến trường

Bố mẹ có thể gặp mặt một số phụ huynh cùng lớp trước ngày đến trường để các con làm quen và kết bạn trước. Đây cũng là một cách giúp đỡ để con mạnh dạn hơn trong những ngày đầu đi học. Con vừa có bạn ở trường, bố mẹ cũng có thể trao đổi với các bậc phụ huynh khác để chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con.

6.5. Luôn động viên và giữ cho con có suy nghĩ tích cực

Các con có thể cảm thấy lo lắng hoặc phấn khích quá mức trước ngày đến trường, nhưng bằng mọi giá bố mẹ cần phải động viên con rằng đi học là một điều vô cùng vui vẻ, luôn giúp con có suy nghĩ tích cực trước mọi vấn đề xảy ra ở trường học. Chính nhờ những điều này, con sẽ luôn biết cách tin tưởng vào bản thân mình. 

6.6. Chơi trò chơi về trường học

Bố mẹ cũng có thể giúp con tưởng tượng ra khung cảnh lớp học bằng cách để con làm giáo viên và xếp thú bông thành học sinh trong lớp học của con. Mọi cảm xúc tiêu cực sẽ bị thổi bay, con sẽ mạnh dạn tự tin hơn và cũng háo hức được đến trường đi học nhiều hơn. 

6.7. Đọc sách về chuyện đi học

Chọn những cuốn sách có chủ đề đi học và đọc cho con nghe mỗi ngày. Điều này giúp con hình dung dễ dàng hơn về những điều mà con sẽ trải qua khi đi học. Những người bạn trong sách cũng giúp con đồng cảm và có cái nhìn rõ ràng hơn về mọi câu chuyện xảy ra ở trường. Việc đọc sách sẽ dẫn con đến những cách xử lý tình huống thông minh, luôn tin tưởng nói với bố mẹ về mọi vấn đề khi đi học.

6.8. Luôn kiên nhẫn với con

Việc một bạn nhỏ mới bắt đầu đi học sẽ cần rất nhiều sự kiên nhẫn và lòng tin của bố mẹ. Con có thể nản chí, có thể khó chịu thậm chí ghét việc đi học. Nhưng chỉ cần bố mẹ đủ kiên trì cùng con vượt qua giai đoạn ban đầu, con sẽ có cảm tình với trường lớp, cũng sẽ có được niềm vui thích khi đi học mỗi ngày.

6.9. Cho con một người bạn an ủi

Đôi khi bố mẹ là không đủ để an ủi hết những điều con cảm thấy không thoải mái khi đi học, và ngay lúc này con cần có một người bạn thân thiết như một em thú cưng trong nhà hoặc một bạn thú cưng mà con yêu thích. 

Trẻ con không chịu đi học

Mọi người trong gia đình cần luôn động viên trong suốt quá trình đi học của con

Bố mẹ chỉ cần để con được ở một chỗ với người bạn này và để con ổn định lại tâm lý của mình sau cơn nức nở. Sau khi con thoải mái hơn, hãy từ từ gợi chuyện và an ủi nếu con cảm thấy không thoải mái.

6.10. Tạo ra một nghi thức đặc biệt cho con

Một câu mật khẩu hay một hành động ngộ nghĩnh để chào con khi đưa con đi học là điều sẽ tạo ra những niềm hứng thú nho nhỏ cho con trong suốt thời gian đến trường. Con sẽ cảm thấy vô cùng thích thú vì mình và bố mẹ có những mật khẩu riêng không ai biết, và con luôn cảm thấy tin tưởng khi bố mẹ đến đón con đúng giờ tan học. 

Phải xa vòng tay của những người thân yêu để đến một môi trường hoàn toàn mới, chuyện bé hụt hẫng, lo lắng thậm chí sợ hãi là điều khó tránh khỏi. Hãy thật kiên nhẫn, luôn ở bên động viên, khuyến khích với tất cả tình yêu thương và sự thông thái của bạn. Hy vọng qua bài viết này của phucngocan.com các bậc phụ huynh sẽ áp dụng thành công những lời khuyên cho trẻ 3 tuổi không chịu đi học ở trên.

Xem thêm các bài viết sau:

Tư vấn nhanh